Nước sâm là một loại nước rất được ưa thích vào ngày hè và được uống nhiều để hạ hỏa khi cơ thể cảm thấy nóng bức. Hầu như mọi người đều mua nước sâm dọc các con phố để dùng nhưng lại ít tự nấu tại nhà.
Thực tế là làm nước sâm ở nhà sẽ tiết kiệm, an toàn hơn mua ngoài và có thể dùng cho cả gia đình. Bài viết này sẽ bật mí cho bạn những cách nấu nước sâm ngon và đơn giản nhất tại nhà.
Mục lục
1. Hướng dẫn cách nấu các loại nước sâm đổi vị
Có thể bạn thắc mắc nước sâm nấu từ gì, bởi vì hiện tại có rất nhiều công thức để làm nước sâm, mỗi công thức sẽ kết hợp nhiều loại nguyên liệu khác nhau cho nên cũng tạo ra mùi vị thơm ngon khác nhau.
Hôm nay, Tiến Sĩ Nước sẽ gợi ý đầy đủ cho bạn các công thức nấu nước sâm ngon tại nhà ngay bên dưới, tùy vào sở thích, tùy vào khẩu vị mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn những công thức phù hợp cho mình.
1.1. Cách nấu nước sâm 24 vị
Nước sâm 24 vị là một loại nước mát thanh nhiệt, giải độc và mát gan hiệu quả được nhiều gia đình yêu thích. Dưới đây là cách nấu nước sâm 24 vị, rất dễ làm với thành phần chính là nhãn nhục, hạt sen và táo đỏ.
1.1.1. Nguyên liệu
- Nhãn nhục khô: 100g
- Hạt sen 200g
- Củ sen 150g
- Táo đỏ: 150g
- Nấm tuyết: 100g
- Phổ tai loại thái sợi: 150g
- Bo bo: 100g
- Gia vị: Đường, muối, dầu chuối,…
1.1.2. Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bạn ngâm táo đỏ với nước, sau đó dùng tăm đâm vào 2 đầu mỗi quả táo rồi tiếp tục ngâm với nước ấm trong 20-25 phút. Bạn vớt táo đỏ ra, rửa lại một lần nữa và để cho ráo nước.
Nấm tuyết bạn cắt chân rồi ngâm chúng với nước đến khi nấm nở ra thì bạn rửa sạch lại và thái sợi.
Bo bo bạn ngâm với nước, sau đó cho vào nồi nước đang sôi để làm bo bo chín mềm, sau đó bạn vớt bo bo ra và cho vào nước lạnh rồi xả lại nhiều lần với nước.
Nhãn nhục, phổ tai bạn ngâm với nước cho đến khi chúng nở ra thì bạn xả lại với nước và để cho ráo nước.
Bước 2: Luộc củ sen và hạt sen
Củ sen và hạt sen sau khi đã sơ chế sạch thì bạn cho chúng vào nồi cùng với nước và tiến hành luộc, bạn cho đường vào khuấy đều. Bước này giúp cho hạt sen mềm và củ sen có độ giòn và ngọt miệng.
Bước 3: Nấu nước sen
Bạn bắt một nồi nước khác, có cho thêm một ít đường và đun sôi, tiếp theo bạn cho nước luộc củ sen vào nấu chung.
Sau đó bạn cho tất cả nguyên liệu: táo đỏ, nhãn nhục, nấm tuyết, bo bo,… vào nấu khoảng 30-40 phút.
Kế tiếp bạn nêm đường lại để nước sâm vừa miệng với khẩu vị của mình và gia đình thì tắt bếp.
1.1.3. Nước sâm 24 vị thành phẩm
Đây là một trong những cách đơn giản để thực hiện món nước sâm 24 vị giải nhiệt, tốt cho sức khỏe, chỉ tốn một chút thời gian ở bước sơ chế nguyên liệu.
Thành phẩm nước sâm mang đến vị ngọt ngọt, thơm thơm, kết hợp với việc được nhâm nhi hạt sen và củ sen bùi bùi thật khó cưỡng.
1.2. Cách nấu nước sâm nhãn nhục
Một loại nước sâm uống thanh mát và tốt cho sức khỏe khác là nước sâm nhãn nhục. Nhãn nhục là một loại thực phẩm nổi tiếng có nhiều tác dụng đặc biệt đối với cơ thể như: ổn định thần kinh, làm ấm dạ dày, dưỡng huyết và tăng cường miễn dịch.
Kết hợp với các thành phần thiên nhiên khác và vị ngọt tự nhiên của đường phèn giúp nước sâm nhãn nhục mang lại cảm giác thanh mát và trở thành thức uống bổ dưỡng cho cả gia đình.
Nguyên liệu nấu nước sâm nhãn nhục (dùng cho 4 người):
- 150g bông cúc khô
- 100g nhãn nhục khô
- 150g đường phèn
- 3 lít nước
Cách nấu nước sâm nhãn nhục:
- Đầu tiên bạn cho nhãn nhục và bông cúc khô vào ngâm trong 2 tô nước riêng biệt khoảng 15 phút để nguyên liệu nở ra.
- Sau đó bạn vớt bông cúc đã ngâm cho vào nồi đun sôi với nước lọc.
- Khi nước sôi khoảng 10 phút thì bạn vớt bông cúc ra, cho nhãn nhục (cùng phần nước ngâm nhãn nhục) và đường phèn vào, đun tiếp cho đến khi đường tan thì tắt bếp. Chờ nước sâm nhãn nhục nguội dần rồi múc ra để thưởng thức.
- Nước sâm nhãn nhục bạn đã có thể dùng ngay sau khi nấu, hoặc có thể kết hợp với đá viên, đá xay tùy thích nếu bạn muốn dùng lạnh.
- Nước sâm này chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh không quá 24 giờ.
1.3. Cách nấu nước sâm bí đao
Sâm bí đao chắc hẳn là món đồ uống quá quen thuộc với bạn đúng không? Nếu chưa từng sử dụng thì ít nhất một lần bạn cũng đã nghe về nó hoặc bắt gặp thức uống này được bán trên đường phố.
Bí đao có tính mát và có công dụng giải độc, giải nhiệt, giúp tan đờm, mát ruột,… nên bên cạnh dùng trong các món ăn thì nó còn được sử dụng trong các vị thuốc dân gian để chăm sóc sức khỏe.
Cách làm nước sâm bí đao tại nhà không hề khó nhưng sẽ đảm bảo được mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể chế biến đúng vị gia đình bạn yêu thích.
Nguyên liệu nấu nước sâm bí đao (dành cho 4 người):
- 1kg bí đao
- 50g lá dứa
- 5g thục địa
- 100g đường phèn
- 3 khúc mía lau
- 1/3 muỗng cà phê muối
- 3 lít nước
Cách nấu nước sâm bí đao:
- Đối với bí đao bạn giữ nguyên vỏ, rửa thật sạch, rồi tiến hành cắt bí đao thành từng khoanh tròn.
- Để nước sâm bí đao đậm đà, bạn nên chọn những trái bí đao đã già có đốm vàng bên ngoài, phần hạt bên trong đã cứng. Nếu không tìm được bí đao già, bạn có thể sử dụng bí đao bình thường nhưng cần khoét bỏ phần hạt để nước sâm không bị chua.
- Thục địa bạn rửa sạch và cắt lát, không nên dùng nhiều thực địa vì có thể làm nước sâm bị đắng. Lá dứa bạn rửa sạch, cắt khúc vừa rồi bó thành các bó nhỏ để sau khi nấu bạn vớt chúng ra dễ hơn.
- Tiếp theo bạn cho mía lau vào dưới đáy nồi, kế đến là đường phèn nấu chung với 2 lít nước. Khi đường phèn đã tan hết thì bạn cho thêm đường cát vào nấu chung.
- Khi đường đã tan hoàn toàn thì bạn bắt đầu thêm bí đao, lá dứa và thục địa vào nồi nấu trong khoảng 15 phút, trong quá trình nấu không cần đậy nắp nồi.
- Khi nước sâm sôi thì bạn điều chỉnh lửa nhỏ và nấu thêm khoảng 2 tiếng để các nguyên liệu tiết ra hết các dinh dưỡng.
- Khi nồi nước đã chuyển sang màu nâu nhạt, bí đao đã chín mềm rục, bạn vớt bí đao ra và sau đó lọc nước cốt sâm bí đao để thu phần nước trong, không có cặn lợn cợn.
- Sau khi đã nấu nước sâm bí đao xong, bạn đã có thể sử dụng ngay. Nhưng để bảo quản lâu hơn, bạn nên bỏ vào chai đậy kín và để trong tủ lạnh khoảng 3 đến 4 giờ, khi đó vừa được giữ được lâu lại vừa ngon hơn.
- Nước sâm này chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh từ 2-3 ngày, nếu đã có vị chua hoặc mùi hôi thì bạn không nên dùng nữa.
1.4. Cách nấu nước sâm rong biển
Rong biển được nhiều bà nội trợ yêu thích vì không chỉ có hương vị lạ mà ngon, nó còn là thực phẩm cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe như: chống oxy hóa, hỗ trợ chức năng tuyến giáp, tăng cường sức khỏe đường ruột, tốt cho hệ tim mạch,….
Khi cơ thể gặp phải các dấu hiệu như: khô môi, nhiệt miệng, khát nước liên tục, nước sâm rong biển là loại đồ uống giúp giải khát, giải nhiệt, giải độc cực kỳ tốt.
Nguyên liệu nấu sâm rong biển (dùng cho 4 người):
- 50g rong biển khô
- 10g bông cúc khô
- 1 trái la hán quả
- 1 nhánh lá dứa
- 80g đường phèn
- 3 lít nước lọc
Cách nấu nước sâm rong biển:
- Rong biển bạn rửa sạch, ngâm nước 10 phút và để ráo. La hán quả bạn đập vụn. Bông cúc và lá dứa bạn rửa sạch.
- Tiếp theo bạn cho rong biển, la hán quả, lá dứa và 3 lít nước vào nồi đun sôi trong khoảng 20 phút. Sau khi nước sôi bạn cho bông cúc vào đun thêm 5-7 phút.
- Tiến hành lọc bỏ xác, thêm đường phèn đã đập vụn vào, khuấy đều.
- Lược nước sâm rong biển lại một lần nữa để nước sâm được trong và không lợn cợn, chờ nguội là bạn đã có thể thưởng thức, hoặc rót nước sâm vào chai cho vào tủ lạnh bảo quản để uống trong 2-3 ngày.
1.5. Cách nấu nước sâm mía lau
Nước sâm mía lau cũng là một lựa chọn rất phổ biến khi muốn làm nước sâm cho gia đình. Với thành phần bao gồm những nguyên liệu từ cây cỏ và thảo dược thiên nhiên, nước sâm mía lau không chỉ giúp giải khát, thanh nhiệt mà còn là thức uống tốt cho sức khỏe.
Không chỉ được sử dụng trong những ngày trời nóng, nước sâm mía lau có thể được dùng bất cứ khi nào cơ thể bị nóng, nổi nhiều mụn nhọt, hoặc đơn giản là uống đều đặn hàng tuần để tăng cường sức khỏe.
Nguyên liệu nấu nước sâm mía lau (dùng cho 4 người):
- 1-2 khúc mía lau
- 50g râu bắp
- 10g rễ tranh
- 2 nhánh lá dứa
- 50g lá thuốc dòi
- 50g cây mã đề
- 5g ngò rí
- 50g đường phèn
- 3 lít nước
Cách nấu nước sâm mía lau:
Mía lau bạn dóc vỏ, chẻ đôi thành từng khúc nhỏ cỡ 1 đốt ngón tay. Các loại cây và lá khác bạn cũng rửa sạch, để ráo nước. Lá dứa bạn cắt thành các đoạn ngắn cỡ 5cm. Đường phèn bạn giã nhuyễn.
Xếp mía lau dưới đáy nồi, kế đến là lớp các loại cây lá mát (chừa lại lá dứa và ngò rí(, thêm đường phèn vào nồi (chừa lại một ít đường phèn), sau đó đổ nước ngập mặt, đậy nắp và đun sôi khoảng 30 phút. Trong quá trình nấu cần vớt bọt thường xuyên để nước sâm được trong và thơm hơn.
Khi nước đã sôi, bạn thêm lá dứa và ngò rí vào nấu thêm khoảng 5 phút, sau đó vớt toàn bộ xác ra, chỉ giữ lại phần nước, bạn thêm phần đường phèn còn lại vào nồi (có thể nêm thêm một ít muối), khuấy đều để đường phèn tan hết thì tắt bếp, để nguội.
Bạn dùng rây để lọc lại bã một lần nữa, nước sâm mía lau thành phẩm có màu vàng nâu, vị ngọt mát và hương thơm nhẹ nhàng. Bạn chờ cho nước sâm mía lau nguội và rót vào ly để thưởng thức, hoặc bạn có thể rót vào chai và cho vào ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần.
1.6. Cách nấu nước sâm bông cúc
Nước sâm bông cúc là một loại nước sâm đơn giản khác mà bạn có thể nấu cho cả gia đình uống tại nhà. Trong y học cổ truyền, bông cúc có vị ngọt pha lẫn một chút đắng, có tính hàn nhẹ. Loại thảo dược này có nhiều chất chống oxy hóa và có tính kháng khuẩn nên cũng tác tác dụng phòng và chữa bệnh hiệu quả.
Bông cúc thường được kết hợp với đường phèn và những nguyên liệu khác để tạo thành thức uống giúp thanh nhiệt, giải độc. Nước sâm bông cúc thuần túy ngọt miệng, thêm chút hương ngò rí sẽ tạo nên sự mới lạ, phù hợp khẩu vị của nhiều người.
Nguyên liệu nấu sâm bông cúc (Dùng cho 3 người):
- 30g bông cúc khô
- 350g đường phèn
- 50g ngò rí
- 3 lít nước
Cách nấu sâm bông cúc:
- Đầu tiên bạn ngâm bông cúc trong nước khoảng 5 phút rồi rửa sạch lại với nước và để ráo. Rau ngò rí bạn rửa sạch, để ráo nước.
- Bạn bắt nồi nước lên bếp, cho bông cúc vào chung và đun sôi. Khi nước sôi bạn cho thêm ngò rí vào nấu thêm khoảng 5 phút.
- Sau đó bạn vớt hết xác ra, cho đường phèn vào nước nấu đến khi đường tan thì tắt bếp.
- Nước sâm bông cúc bạn có thể thưởng thức nóng hay lạnh đều ngon. Bạn bảo quản nước sâm trong ngăn mát tủ lạnh để giữ được lâu hơn.
1.7. Cách nấu nước sâm Hàn Quốc thơm ngon, bổ dưỡng
Sâm Hàn Quốc hay còn gọi là Hồng sâm, hoặc nước mát Hàn Quốc. Nó được biết đến là loại đồ uống thanh mát và bổ dưỡng, được người Hàn rất ưa chuộng vào mùa hè nóng nực.
Thành phần nguyên liệu sử dụng để làm nước sâm kiểu Hàn Quốc gồm có táo đỏ, táo tàu, nhãn nhục và đường phèn. Nước sâm loại này có vị ngọt thanh, thơm mùi thuốc bắc nhẹ. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm các nguyên liệu khác như gừng, quế và mật ong để tạo thành phiên bản nước sâm Hàn Quốc dùng trong mùa lạnh.
Dưới đây là cách nấu nước sâm Hàn Quốc đơn giản để giải nhiệt, giảm stress, hỗ trợ giảm cân.
Nguyên liệu:
- 200g táo tàu
- 100g nhãn nhục
- 250g táo đỏ
- 3 lít nước
- 30g đường phèn
Cách nấu nước sâm Hàn Quốc:
Bạn nên chọn các nguyên liệu ở các cửa hàng bán thuốc bắc uy tín để không phải mua những loại nguyên liệu kém chất lượng.
Đầu tiên bạn rửa sạch các nguyên liệu để loại bỏ hết tạp chất và để cho ráo nước.
Tiếp theo, bạn bắt nồi nước lên bếp, cho các nguyên liệu vào để nấu, khi nước sôi thì bạn hạ nhỏ lửa và đun tiếp tục khoảng 45 phút thì tắt bếp. Trong quá trình đun bạn nên chú ý hớt bỏ bọt.
Nếu có thời gian thì bạn có thể đun nhỏ lửa trong khoảng 2-3 tiếng để các chất được chiết xuất ra nhiều hơn.
Bạn chỉ nên nấu nước sâm đủ dùng mỗi ngày và không nên để đến ngày hôm sau. Nước sâm này bạn cũng có thể uống nóng hay lạnh tùy vào sở thích của bạn.
2. Nước sâm có tác dụng gì?
Nước sâm là một loại đồ uống ngon, bổ, rẻ, được nấu từ những loại thảo mộc nên hoàn toàn an toàn và không độc hại. Khoa học đều công nhận các thành phần hội tụ trong nước sâm đều có những công dụng tuyệt vời như: thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, an thần,…
Vì vậy, nước sâm luôn được xem là một loại đồ uống giúp phòng ngừa và giải quyết hiệu quả tình trạng “tích nhiệt” trong cơ thể.
Đặc biệt vào mùa hè hoặc những ngày nóng bức khiến cơ thể dễ bị mất nước, cần bổ sung lại nước, nước sâm sẽ là thức uống thanh mát để giải nhiệt và bổ sung nước hiệu quả.
3. Nguyên liệu nấu nước sâm và công dụng của từng loại như thế nào?
Bạn có biết nước sâm nấu từ gì không? Thông thường để nấu nước sâm sẽ cần các nguyên liệu phổ biến và được dùng nhiều như: mía lau, rễ cỏ tranh, râu bắp, lá dứa, cây mã đề, cây thuốc dòi, cây lẻ bạn,…
Các loại nguyên liệu này theo Đông y đều có dược tính, cung cấp các lợi ích nhất định cho sức khỏe. Cụ thể như:
- Mía lau: Một loài cây thuộc họ lúa, trong Đông Y nó được gọi là cam giá. Mía lau có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt trừ nóng, bổ phổi, giải ban, thông tiểu tiện, nhuận huyết, nhuận phế,…
- Rễ tranh: Cũng là một loại cây thuộc họ lúa, trong Đông y gọi là bạch mao căn. Nó có vị ngọt và có tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị bứt rứt, được dùng như vị thuốc điều trị chứng tiểu gắt, tiểu ra máu, chảy máu cam.
- Râu bắp (râu ngô): Theo Đông y thì râu bắp có vị ngọt tính bình, có công dụng bình tâm can, lợi mật, lợi tiểu. Râu bắp có thể hỗ trợ trị sỏi thận và giúp hạ đường huyết.
- Lá dứa thơm: Lá dứa thơm không chỉ giúp nước sâm có màu xanh nhẹ đẹp mắt và thơm hơn, mà còn có tác dụng chữa bệnh như hỗ trợ điều trị ung thư và có khả năng làm hạ đường huyết.
- Thuốc dòi (bọ mắm, sát trùng thảo): Một loại cây thuộc họ gai có vị ngọt nhạt và tính hàn. Theo Đông y, thuốc dòi tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, điều trị mụn nhọt, lở loét, thông sữa và thông tiểu. Ngoài ra nó còn có tác dụng điều kinh, nên cũng được cho là dễ gây sảy thai, do đó phụ nữ mang thai không nên dùng.
- Cây mã đề: Loại cây này vừa là rau vừa là thuốc. Nó có tác dụng lợi tiểu, trị tiểu rắt, kiết lị và đau mắt đỏ.
- Cây lẻ bạn: Nó còn có tên là cây hoa sò huyết, có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, cầm máu, chữa ho.
- Đường phèn: Đường phèn là thành phần không thể thiếu khi nấu nước sâm. Vị ngọt thanh nhẹ của đường phèn giúp vị của nước sâm được tự nhiên hơn khi uống.
4. Ai không nên uống nước sâm?
Nước sâm là loại nước mát lành mạnh và có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp với loại nước giải nhiệt này.
Những trường hợp sau đây cần chú ý không nên dùng nước sâm vì nó có thể gây hại cho cơ thể:
- Người đang bị tiêu chảy: Bị tiêu chảy sẽ dẫn tới tình trạng mất nước, nhưng nước sâm có tính lợi tiểu nên có thể làm gia tăng thêm tình trạng mất nước. Khi đang bị tiêu chảy tốt nhất bạn nên uống nước lọc để bù lại nước.
- Người mắc bệnh mãn tính: Các thành phần thảo dược có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc. Khi đang dùng thuốc điều trị bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn dùng nước sâm.
- Người có bệnh huyết áp thấp: Một số thành phần trong nước sâm có thể làm giảm huyết áp, nên có thể làm tình trạng của bạn thêm trầm trọng.
- Phụ nữ có thai: Trong nước sâm có chứa các loại thảo dược mà người đang mang thai không nên dùng. Ví dụ như thuốc dòi có tác dụng điều kinh hay như rễ tranh có tính hàn mạnh, nên đều không có lợi cho phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, nước sâm chỉ nên dùng với liều lượng vừa phải mỗi ngày, không nên lạm dụng nước sâm, đặc biệt đối với trẻ em, người già và người tỳ vị hư yếu sẽ dễ bị lạnh bụng, đi lỏng.
Hạn chế mua các nguyên liệu nấu nước sâm đóng gói sẵn, vì chúng dễ bị ẩm mốc, không còn hoạt chất có lợi. Tốt nhất bạn nên mua các nguyên liệu tươi về nấu uống để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Không nên uống quá nhiều nước sâm vào buổi tối và hạn chế uống nước sâm sau khi ăn nhiều thực phẩm tươi sống, thực phẩm lạnh, để tránh gây rối loạn tiêu hóa.
Nước sâm rất tốt cho sức khỏe nên bạn không cần đợi khi cảm thấy nóng trong người mới uống nước sâm. Hy vọng những cách nấu nước sâm trong bài viết này sẽ giúp bạn và gia đình của mình giải khát, thanh lọc cơ thể và nâng cao sức khỏe hiệu quả.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý không nên lạm dụng nước sâm và không nên dùng để uống thay thế cho nước lọc hàng ngày.