Nhắc đến nước ép mọi người thường nghĩ đến các loại trái cây. Tuy nhiên ở các nước phương Tây các rau củ cũng là một thức uống lành mạnh tốt cho sức khỏe. Trong đó, nước ép bồ công anh được xem như một giải pháp tăng cường sức khỏe gan, thận, hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Hãy cùng Tiến Sĩ Nước tìm hiểu về công dụng và những công thức pha chế nước ép bồ công anh nhé.
Mục lục
Nước ép bồ công anh có tác dụng gì cho sức khỏe không?
Câu trả lời là CÓ và rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Để hiểu rõ lợi ích mà bồ công anh mang lại, trước hết chúng ta cần biết trong loại cây này có chứa những thành phần gì?
Theo tài liệu dinh dưỡng của USDA, một chén rau bồ công anh thô (55g) cung cấp 25 calo, 1,5g protein, 5,1g carbohydrate và 0,4g chất béo. Rau bồ công anh là nguồn cung cấp vitamin A, sắt và canxi tuyệt vời. Cụ thể:
Carbs
Rau bồ công anh tươi chỉ cung cấp 5 gam carbohydrate mỗi cốc, với khoảng 2 gam chất xơ và chúng tự nhiên rất ít đường.
Chất béo
Rau bồ công anh không phải là một nguồn chất béo đáng kể, nhưng chất béo có thể được thêm vào trong quá trình chế biến.
Chất đạm
Một cốc rau xanh bồ công anh tươi có 1,5 gam protein. Tương tự các loại thực vật khác, rau bồ công anh không cung cấp tất cả các axit amin thiết yếu cho cơ thể, vì vậy điều quan trọng là chúng ta nên tiêu thụ nhiều loại thực phẩm chứa protein để đáp ứng đủ nhu cầu ăn kiêng của bạn.
Vitamin và các khoáng chất
Rau bồ công anh có nhiều vitamin A, C, E, K và một lượng nhỏ khoáng chất canxi. Ngoài ra chúng cũng chứa một số khoáng chất khác như kali, sắt, folate và magiê.
Đặc biệt hơn, mỗi cốc rau bồ công anh chứa 357% lượng vitamin K khuyến nghị hàng ngày dựa trên chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày. Vitamin K đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa loãng xương và bệnh tim mạch vành.
Lượng calo
Một chén rau bồ công anh thô (55g) cung cấp 25 calo, làm cho nó trở thành một loại thực phẩm rất ít calo. Khoảng 69% calo đến từ carbs, 20% từ protein và 11% từ chất béo.
Nắm rõ bảng thành phần của rau bồ công anh sẽ giúp bạn dễ hiểu hơn về các tác dụng là nước ép bồ công anh mang lại. Dưới đây là tổng hợp công dụng của nước ép rau bồ công anh.
Chứa chất chống oxy hóa lành mạnh
Rau bồ công anh chứa thành phần chất chống oxy hóa mạnh là beta-carotene, đây là một chất tự nhiên có khả năng bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa. Ngoài ra, một chất chống oxy hóa khác được tìm thấy trong rễ, thân và lá bồ công anh có tên gọi polyphenol.
Hàm lượng chất xơ dồi dào có tác dụng làm sạch độc tố tại đại tràng, làm giảm khả năng mắc ung thư đường ruột. Ngoài ra, chất xơ cũng giữ cho đường tiết niệu khỏe mạnh và điều này càng làm giảm nguy cơ ung thư ở nhiều bộ phận của cơ thể.
Chống lại phản ứng viêm của cơ thể
Các hoạt chất sinh học như polyphenol trong rau bồ công anh có tác dụng hiệu quả trong việc giảm phản ứng viêm. Sau nhiều cuộc nghiên cứu trong ống nghiệm, các chuyên gia nhận định chiết suất của rau bồ công anh cho thấy dấu hiệu giảm viêm tế bào đáng kể bao gồm tình trạng viêm phổi, viêm họng,…
Kích thích sản xuất insulin tuyến tụy
Nước ép bồ công anh có thể mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh tiểu đường vì khả năng kích thích sản xuất insulin tụy và giúp duy trì lượng đường trong máu bình thường.
Mặt khác, bản chất lợi tiểu của bồ công anh cũng có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường bằng cách tăng tần suất đi tiểu của họ. Điều đó sẽ loại bỏ đường dư thừa từ cơ thể và ngăn chặn sự tích tụ đường trong thận.
Một lời cảnh báo – Bệnh nhân tiểu đường đã điều chỉnh lượng đường trong máu nên tham khảo ý kiến bác sĩ của họ trước khi thêm bồ công anh hoặc nước ép bồ công anh vào chế độ ăn uống của họ.
Giảm lượng cholesterol xấu, tăng mức HDL
Trong các nghiên cứu về thỏ, bồ công anh làm giảm hiệu quả triglyceride và LDL (cholesterol xấu) trong khi tăng HDL (mức cholesterol tốt). Nước ép rau bồ công anh chứa kali, có tác dụng làm giảm huyết áp. Ngoài ra, chúng còn chứa chất béo và lượng đường thấp tự nhiên với nhiều chất xơ, là một nguồn vitamin tốt cho sức khỏe tim như folate và vitamin C.
Hỗ trợ làm giảm huyết áp, duy trì nhịp tim ổn định
Kali trong bồ công anh có thể giúp điều chỉnh huyết áp và nhịp tim. Hàm lượng chất xơ và đặc tính lợi tiểu của nó cũng giữ huyết áp ở mức độ khỏe mạnh và điều này thể hiện tốt cho sức khỏe tim mạch tổng thể.
Chăm sóc da không thua mỹ phẩm đắt tiền
Theo các nghiên cứu, nhựa cây bồ công anh hay còn gọi là “sữa bồ công anh” rất hữu ích trong việc điều trị nhiễm nấm trên da. Nhựa cây có tính kiềm cao và cũng là một chất diệt nấm và diệt khuẩn mạnh.
Nhựa bồ công anh có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị da hoàn toàn tự nhiên mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào đối với các tình trạng da khác nhau như chàm, mụn trứng cá, ngứa và nấm ngoài da.
Tuy nhiên, hãy giữ cho nhựa cây không vào mắt nếu không nó có thể gây ngứa.
Trợ giúp việc giảm cân dễ dàng
Tiêu thụ bồ công anh hỗ trợ loại bỏ chất lỏng cơ thể dư thừa, giúp giảm cân. Những người muốn giảm cân có thể làm tăng mức tiêu thụ bồ công anh để đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng của họ.
Đào thải độc tố tích tụ trong gan
Chiết xuất rau bồ công anh có khả năng làm giảm lượng chất béo dư thừa tích tụ trong gan và bảo vệ gan khỏi stress hóa tế bào. Hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong loại rau này cũng là “một điểm cộng” lớn với gan, vì chúng có tác dụng làm giảm mức độ độc hại của acetaminophen (Tylenol).
Để bồ công anh phát huy tác dụng tối đa, bạn nên duy trì sử dụng với tần suất đều đặn. Khi uống xong nên nghỉ ngơi để gan có thời gian làm nhiệm vụ của nó, đẩy hết độc tố ra khỏi cơ thể.
Hướng dẫn cách làm nước ép bồ công anh nguyên chất trọn vị
Bồ công anh là một loại cây thực vật mọc phổ biến ở nhiều vùng trên thế giới. Dù bị “xem thường” như loài cỏ dại nhưng loại cây này lại được ngành Y học Thảo dược đánh giá rất cao.
Đặc biệt phần lá hay còn gọi là rau bồ công anh thường được dùng để làm thuốc. Trong Đông Y, lá bồ công anh có vị đắng, hậu ngọt, tính kiềm cao có công dụng rất tốt cho sức khỏe. Sau đây là cách làm nước ép bồ công anh đơn giản cho người mới làm quen với loại cây thực vật này.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Bồ công anh: 20 lá
- Nho canh: 20 quả
- Nước lọc: 200ml
- Đường: 1 muỗng canh
- Dụng cụ cần thiết: thìa, dao, rây lọc, máy xay sinh tố,…
Cách làm nước ép bồ công anh
Bước 1: Bồ công anh mua về nhặt sạch lá hư rồi đem rửa với nước, sau đó cắt khúc khoảng 3-4cm. Nho xanh ngâm trong nước muối pha loãng 15 – 20 phút để loại bỏ bụi bẩn và các hóa chất tồn dư trên quả. Sau thời gian ngâm, bạn vớt nho lên để ráo nước.
Bước 2: Chuẩn bị máy xay sinh tố, cho vào máy 20 quả nho xanh + 20 lá bồ công anh + 200ml nước lọc. Sau đó đậy nắp và bật nút khởi động để máy làm việc ở tốc độ chậm sau đó tăng dần đến khi hỗn hợp thật nhuyễn mịn.
Bước 3: Dùng rây lọc lại hỗn hợp vừa xay xong, sau đó cho một thìa đường vào phần nước cốt và khuấy đều là hoàn thành phần chuẩn bị nước ép.
Bước 4: Bạn chuẩn bị ly thủy tinh đã có sẵn đá viên, sau đó rót nước ép bồ công anh vào ly là có thể thưởng thức.
Những công thức nước ép bồ công anh mix vô cùng hấp dẫn
Lá của bồ công anh có vị đắng khá khó uống, vì vậy bạn nên mix với một số loại trái cây để cân bằng hương vị và giúp dễ uống hơn. Một số công thức mix bồ công anh dưới đây sẽ là những trải nghiệm thú vị đáng để thử đấy.
Nước ép bồ công anh mix dưa chuột
Nguyên liệu:
- Lá bồ công anh: một nắm nhỏ
- Dưa chuột: 2 quả
- Mật ong nguyên chất: 2 thìa
- Nước cốt chanh: ½ quả
Cách thực hiện:
- Rau ngâm rửa kỹ để làm sạch đất cát, dưa chuột rửa sạch rồi cắt khúc vừa ép.
- Cho rau bồ công anh và dưa chuột vào máy ép chuyên dụng.
- Đừng quên thêm một chút nước cốt chanh và mật ong vào ly và khuấy đều. Uống ngay sau khi ép là cách đảm bảo giữ nguyên những dưỡng chất tốt nhất trong rau củ quả.
Nước ép bồ công anh mix táo
Nguyên liệu:
- Lá bồ công anh: một nắm nhỏ
- Táo xanh: 1 quả
- Cải xoong: 1 bó
- Nước cốt chanh: ¼ quả
Cách thực hiện:
- Rau bồ công anh và cải xoong ngâm với nước rồi rửa sạch trước khi cắt thành khúc nhỏ tầm 5-6cm. Sơ chế táo bằng cách ngâm rửa thật kỹ với nước, sau đó gọt vỏ và bỏ hạt. Cắt thành từng miếng mỏng vừa ép.
- Lần lượt cho rau vào ép trước và cho táo vào ép sau cùng để giúp máy đẩy bã tốt hơn.
- Cuối cùng thêm vài giọt nước cốt chanh vào hỗn hợp nước ép vừa mới ra lò. Khuấy đều và thưởng thức.
Nước ép bồ công anh mix cải kale
Nguyên liệu:
- Bồ công anh: 1 nắm
- Cải kale: 5 lá
- Rau xà lách: vài lá
- Bạc hà: vài lá
- Mật ong nguyên chất: 2 muỗng
- Nước cốt chanh: ¼ quả
Cách thực hiện:
- Rau và cải mua về nhặt bỏ những lá bị hư hoặc dập. Sau đó đem ngâm rửa thật kỹ với nước, rồi vớt lên để ráo. Cắt thành từng khúc khoảng 3-4cm.
- Cho lần lượt các loại rau vào máy ép trái cây, chú ý để tránh tình trạng kẹt bã khó vệ sinh.
- Sau khi hoàn thành hỗn hợp nước ép, cho thêm mật ong và nước cốt chanh vào rồi khuấy đều.
Sự kết hợp của 3 loại rau sẽ tạo nên một món nước ép có hương vị đặc trưng, không thể nhầm lẫn. Bạn hãy thưởng thức từ từ, uống vào từng ngụm sau đó ngậm giữ nước ép lại khoang miệng để cảm nhận toàn bộ dư vị của công thức nước ép này.
Nước ép bồ công anh mix củ dền
Nguyên liệu:
- Lá bồ công anh: 1 nắm nhỏ
- Củ dền: 1 củ
- Dưa chuột: 1 quả
- Nước cốt chanh: ¼ quả
Cách thực hiện:
- Lá bồ công anh sơ chế như những cách đã được hướng dẫn ở trên, đảm bảo rửa sạch bụi đất bám trên lá. Củ dền gọt sạch vỏ rồi thái thành miếng nhỏ vừa máy ép. Dưa chuột rửa thật sạch rồi cắt thành khúc.
- Lần lượt ép các nguyên liệu theo thứ tự: lá bồ công anh, củ dền, dưa chuột.
- Sau cùng cho nước cốt chanh vào thành phẩm nước ép vừa mới hoàn thành. Khuấy nhẹ để trộn đều các nguyên liệu và tận hưởng hương vị tươi nguyên của thiên nhiên.
Nước ép bồ công anh mix cần tây
Nguyên liệu:
- Lá bồ công anh: 1 nắm nhỏ
- Cần tây: 1 bẹ to
- Dưa chuột: 1 quả
- Gừng tươi: 2cm
- Nước cốt chanh: ¼ quả
Cách thực hiện:
- Các nguyên liệu mua về sơ chế rửa sạch với nước, sau đó vớt lên để ráo rồi cắt thành khúc khoảng 3-4cm.
- Sau khi sơ chế các nguyên liệu xong, bạn lần lượt cho lá bồ công anh, cần tây, gừng, dưa chuột và táo vào máy ép lấy nước.
- Cuối cùng cho vài giọt nước cốt chanh đã chuẩn bị vào nước ép. Khuấy nhẹ trước khi uống.
Thắc mắc khi dùng nước ép bồ công anh
Nước ép bồ công anh là loại thức uống khá mới mẻ trong cộng đồng sống healthy. Một số bạn mới bắt đầu làm quen với loại thực vật này sẽ có một số thắc mắc, dưới đây là 2 câu hỏi thường gặp nhất khi mọi người dùng nước ép từ lá bồ công anh.
Cách nấu nước bồ công anh tươi đậm vị
Như đã chia sẻ ở phần đầu bài viết, lá bồ công anh có nhiều công dụng tốt trong Đông Y. Chính vì vậy, không quá bất ngờ khi nhiều người chế biến loại rau này thành trà hay nấu để làm nước uống giải nhiệt cho cơ thể.
Ngoài ép lá tươi, bạn có thể nấu lá hoặc phơi khô rồi đem hãm như uống trà.
Cách làm như sau:
- Làm sạch 20 – 30gr cây bồ công anh (bao gồm cả lá, hoa và rễ của cây bồ công anh).
- Đun với nước sạch trong 5 phút rồi để nguội là có thể sử dụng để uống trong ngày.
Nước bồ công anh nấu có tác dụng hỗ trợ điều trị áp xe vú, ít sữa, mụn nhỏ sưng viêm, táo bón, đau dạ dày,… ngoài ra các thầy thuốc còn sẽ bổ sung thêm một số vị thuốc khác để tăng hiệu quả chữa bệnh.
Nước bồ công anh uống có thật sự tốt?
Các bộ phận của cây bồ công anh đều chứa những dưỡng chất giúp điều trị và phục hồi sức khỏe. Cách chế biến cũng rất đơn giản, bạn có thể nấu nước, ép lá lấy nước cốt, làm thuốc hay pha trà đều được.
Tuy nhiên có một điều bạn cần lưu ý, không dùng nước bồ công anh khi đang sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Vì các hoạt chất trong loại rau này có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
Không cần tốn quá nhiều thời gian là chúng ta đã có ngay một ly nước ép bồ công anh với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Một buổi trưa mùa hè còn gì tuyệt vời hơn ngồi nhâm nhi một ly nước ép mát lạnh và bổ dưỡng đúng không. Tiến Sĩ Nước hi vọng bạn thích những kiến thức mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết. Chúc bạn pha chế thành công!
> Tham khảo:
- TOP 15 Loại nước ép tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng
- TOP 25 loại nước ép giảm cân, mỡ bụng và làm đẹp da an toàn hiệu quả
- TOP 10 loại nước ép tốt cho gan không thể bỏ qua